Tăng like


Khi nghe tin siêu bão Haiyan gây ra thiệt hại khủng khiếp cho đất nước Philippines, ngày 15-11, sau cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel với người đồng cấp Philippines Gazmin, Hoa Kỳ đã lập tức bắt tay vào triển khai chiến dịch cứu trợ quy mô lớn cho đồng minh. 

Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã chỉ định Trung tướng John Whistler - Tư lệnh hải quân đánh bộ Thái Bình Dương làm chỉ huy trưởng Đội đặc nhiệm liên hợp 505, phụ trách chỉ huy và điều phối hoạt động của toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ tham gia cứu trợ ở Philippines. Hải quân Mỹ đã khẩn trương điều động tới Philippines tàu sân bay hạt nhân CVN-73 USS George Washington, có cảng chính nằm ở Yokosuka - tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, để tham gia công tác cứu trợ nạn dân siêu bão Haiyan.

Theo số liệu của Lầu năm góc, hai tàu vận tải đổ bộ thuộc căn cứ hải quân đánh bộ ở Sasebo - tỉnh Nagasaki - Nhật Bản cũng được trưng dụng để tăng thêm khả năng chuyên chở hàng viện trợ. Lực lượng hải quân đánh bộ Mỹ đóng tại sân bay Futenma - Okinawa - Nhật Bản cũng đã điều động 8 trong tổng số 24 chiếc máy bay vận tải cánh quạt nghiêng, phiên bản hải quân đánh bộ MV-22 Ospey đến tham gia công tác cứu trợ ở Philippines. 


Hải quân Mỹ điều động tàu sân bay USS George Washington đến tham gia cứu trợ

Các tàu đổ bộ khổng lồ của Mỹ đều mang theo nhiều máy bay trực thăng vận tải để đảm nhận nhiệm vụ thả hàng cứu trợ, chuyên chở vật tư, hàng hóa, nạn nhân. Ngoài ra, Lầu năm góc cũng quyết định số điều động một lực lượng quân nhân rất lớn đến Philippines, ban đầu là 300 binh lính, sau lên tới hơn 1.200 người. Đồng thời Washington cũng điều động các máy bay vận tải hạng nặng C-130 của lực lượng không quân vận tải đến chi viện. Đây là những hoạt động chỉ huy, điều động và cơ động nhanh lực lượng, được Mỹ hoạch định chi tiết trong chiến lược "triển khai nhanh toàn cầu".

Tại sân bay Tacloban - nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất sau siêu bão Haiyan, cứ 1 máy bay vận tải hạng nặng C-130 và 1 máy bay vận tải cánh quạt nghiêng MV-22 của Mỹ hợp thành một biên đội nhỏ, nửa tiếng lại cất, hạ cánh một lần. Chúng bận rộn xếp, dỡ hàng cứu trợ hoặc chuyên chở nạn dân đến Cebu hoặc Manila. Đặc biệt là, trước và sau khi hệ thống chỉ huy của sân bay Tacloban được khôi phục, Mỹ đã không chờ đợi, dựa dẫm vào nó, mà tự xây dựng một hệ thống chỉ huy, kiểm soát trên không lâm thời. 

Lính Mỹ giúp đỡ nạn dân Philippines

Dựa vào đó, Mỹ đã chỉ huy, điều phối toàn bộ hoạt động của một lực lượng máy bay cực lớn của mình, của các nước khác và của Philippines. Theo số liệu của đại sứ quán Mỹ tại Philippines ngày 16-11, chỉ riêng Mỹ đã huy động 10 chiếc C-130, 8 chiếc MV-22 Osprey. Họ đã cất cánh 186 lượt, vận chuyển 174.000 tấn hàng hóa thiết yếu và 1.200 binh lính Mỹ đến các khu vực cứu trợ, đồng thời cũng vận chuyển 2.800 nạn nhân người Philippines và 109 công dân Mỹ đến nơi an toàn.

Trong số 1.200 lính hải quân đánh bộ Mỹ có 1.000 người được bốc bằng máy bay và tàu đổ bộ từ căn cứ của lữ 3 tác chiến viễn chinh thuộc Bộ tư lệnh hải quân đánh bộ Thái Bình Dương của Mỹ. Lực lượng này được trang bị tàu đổ bộ, tàu đệm khí, xe tác chiến lưỡng thê, xuồng cứu hộ, đồng thời mang theo các loại máy ủi, máy xúc, máy phát điện, máy khoan giếng, máy lọc nước RO…, nhanh chóng khai thông các con đường huyết mạch dẫn đến các khu vực thiệt hại nặng nề nhất, các thôn làng hẻo lánh bị mất liên lạc từ đầu cơn bão. 

Tàu bổ trợ Towada, tàu vận tải đổ bộ LST 4002 Shimokita và tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga DDH-182 "Ise" (ngoài cùng) của Nhật đã đến cứu trợ Philippines

Khi tàu sân bay Anh đến góp mặt, hợp cùng các phân đội cứu trợ quân sự quốc tế của các nước đã đến trước đó như: Israel, Canada, Australia, Italia, Malaysia…, lực lượng này đã lên đến 10 chi đội. Tuy các lực lượng này đều nhận lệnh đến cứu trợ nạn dân từ Chính phủ của họ nhưng trên thực tế đều chịu sự chỉ huy của quân đội Mỹ, được biên chế vào trong các “Mạng hành động liên hợp cứu nạn”. Tư lệnh hải quân đánh bộ Mỹ ở Thái Bình Dương - John Whistler nhận xét, hành động cứu trợ liên hợp lần này không khác mấy so với cuộc diễn tập “Carat-2013”.

Điểm đặc biệt nhất là lực lượng tự vệ Nhật Bản - đồng minh lớn nhất của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương đã điều động 3 chiến hạm rất lớn là tàu bổ trợ Towada, tàu vận tải đổ bộ LST 4002 Shimokita và tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga DDH-182 "Ise", cùng với 8 máy bay vận tải và 6 máy bay trực thăng hạng nặng, mang theo hơn 1000 binh sĩ đến giúp đỡ Philipines. Đồng thời, cũng có một số lượng lớn các phóng viên của các phương tiện truyền thông Nhật đi theo, nhằm đưa tin về “hoạt động quân sự lớn nhất tại hải ngoại kể từ sau thế chiến thứ 2 của quân đội Nhật”. 

Nhân viên cứu trợ Nhật Bản ở Philippines

Tuy đã đồng ý về nguyên tắc là quân đội 2 nước Mỹ-Nhật sẽ “phối hợp nhịp nhàng”, thậm chí Nhật đã cử sỹ quan điều phối thông tin liên lạc đến thường trực tại Bộ tư lệnh lâm thời của Mỹ nhưng Tokyo nhất quyết không chịu sự chỉ huy của Washington, mà độc lập hành động, tự mình vận chuyển binh lính, lương thực thực phẩm, nạn dân đến và rời khỏi các khu vực thiệt hại. Điều đó chứng tỏ Nhật rất coi trọng đợt cứu trợ này, lấy nó để kiểm nghiệm khả năng điều động và cơ động lực lượng; chỉ huy, điều phối hoạt động độc lập ở nước ngoài của lực lượng tự vệ.

Nguyễn Ngọc 
Tổng hợp

0 comments:

Post a Comment

 
Top