Tăng like


Doanh nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý nước gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: TTXVN)

Theo các chuyên gia môi trường, những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe của hàng triệu người dân.

Điều đáng nói, mặc dù ngành tài nguyên và môi trường đã sử dụng nhiều giải pháp "mạnh tay" đối với các doanh nghiệp vi phạm. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp đã nhiều lần bị xử phạt hành chính vẫn ngang nhiên chôn hóa chất xuống lòng đất và xả nước thải độc hại trực tiếp ra môi trường…

Những hành vi không thể chấp nhận

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2012 đến tháng 10/2013, ngành tài nguyên và môi trường đã tiến hành 31 cuộc thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với 669 tổ chức. Kết quả thanh tra cho thấy nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định về chôn hóa chất độc hại, xả chất thải, nước thải chưa qua xử lý nước vượt quy chuẩn ra môi trường; trong đó có một số doanh nghiệp đã nhiều lần bị xử phạt vẫn cố tình vi phạm.

Điển hình nhất là vụ chôn thuốc trừ sâu của Công ty Nicotex Thành Thái và vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Công ty Hào Dương (đơn vị đã bị xử lý hành chính đến 9 lần nhưng vẫn tái phạm).

Dẫn vụ việc xả thải gây ô nhiễm của Công ty Hào Dương, ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết doanh nghiệp này đã ít nhất 9 lần vi phạm. Mới đây, C49 Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm môi trường đã bắt quả tang công ty dùng máy bơm công suất lớn xả trộm nước thải ra hai con sông. Tiếp đó, do không làm tốt công tác bảo hộ lao động nên tại công ty đã xảy ra vụ việc 3 công nhân bị chết ngạt trong hầm xử lý nước thải.

“Từ thực tế nêu trên, có thể khẳng định đây là những sự việc không thể chấp nhận được,” vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thẳng thắn.

Về việc xử phạt doanh nghiệp, ông Sơn cho biết Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phạt doanh nghiệp này 340 triệu vào tháng 8/2012. Tổng cục Môi trường cũng tổ chức 2 đợt thanh tra vào năm 2010 và 2011. Sau khi thanh tra, Tổng cục Môi trường đã chuyển kết luận thanh tra về Bộ Tài nguyên và Môi trường và đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử lý.

“Thông qua kết luận của thanh tra, ngày 4/11, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định đình chỉ công ty này. Việc đình chỉ là phù hợp với Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong thực thi pháp luật về Bảo vệ môi trường,” ông Sơn nhấn mạnh.

Đối với công ty Nicotex, ông Sơn cho biết: Trong những tháng vừa qua, từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh, huyện và xã và các cơ quan chức năng đã tiến hành rất nhiều hoạt động liên quan đến Nicotex Thành Thái. Bản thân Nicotex Thành Thái cũng đang làm nhiều việc để khắc phục. Tuy nhiên, hậu quả của việc kéo dài cực kỳ nguy hiểm thì không thể xử lý một cách đơn giản.

Theo ông Sơn, trong Luật Bảo vệ Môi trường có quy định những vụ vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng thì xử lý hình sự, nhưng như thế nào là nghiêm trọng thì xét về khoa học và thực tiễn là cực kỳ khó khăn. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm xây dựng thông tư quy định thế nào là nghiêm trọng và thế nào là rất nghiêm trọng.

“Tuy nhiên, khi tham gia cuộc họp của Bộ Tư pháp, tôi thấy rằng việc lấy định tính này để thay cho định tính kia là rất mơ hồ, không thể chấp nhận. Ví dụ nghiêm trọng tức là ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường một cách nghiêm trọng. Đặc biệt nghiêm trọng là ảnh hưởng đến môi trường sinh thái một cách đặc biệt nghiêm trọng,” ông Sơn phân tích.

“Thanh tra chỉ có tác dụng phòng ngừa”

Đề cập đến quyền lợi của người dân trước hành vi “xâm phạm” của doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê kế Sơn cho rằng không thể vì bảo vệ một doanh nghiệp và những lao động của doanh nghiệp đó mà để hàng triệu người dân khác phải chịu hậu quả.

“Bởi vì thế, trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường mà Quốc hội sắp thảo luận vào ngày 25/11 tới đây, chúng tôi đề nghị quy định rất rõ trách nhiệm cá nhân. Người đứng đầu các tổ chức quản lý liên quan đến các tổ chức vi phạm phải chịu trách nhiệm. Cùng với đó, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, các cơ quan liên quan đến sự tồn tại của Nicotex phải chịu trách nhiệm chứ không thể đứng ngoài được,” ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cũng cho biết, trong Luật Dân sự có quy định thời hạn khởi kiện là 2 năm (nghĩa là khi xảy ra sự vụ đó, 2 năm sau nếu không khởi kiện thì hết thời hiệu), nhưng đối với môi trường, nếu áp dụng điều này thì rất nhiều vụ thoát tội, vì có những hậu quả mà 10 năm, 20 năm sau mới nhận thấy, ví dụ như dioxin...

“Vì vậy, lần này chúng tôi đề nghị thời hiệu khởi kiện là thời hiệu kể từ khi người bị xâm phạm phát hiện ra mình bị tổn hại, nghĩa là bất cứ khi nào phát hiện ra đều có thể khởi kiện. Đây là điều cực kỳ quan trọng, dùng Luật Bảo vệ Môi trường thay thế cho một chi tiết về thời hiệu trong Luật Dân sự,” ông Sơn nhấn mạnh.

Về việc một đơn vị có tới 10 đoàn đến thanh tra nhưng vẫn chỉ phát hiện những vi phạm nhỏ và xử phạt nhẹ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển: Trong những năm qua, công tác thanh tra kiểm tra của Bộ và của ngành đã được tăng cường vì đây là nhiệm vụ trọng tâm, mặc dù còn nhiều bất cập cả về thể chế, điều kiện phương tiện và đội ngũ.

“Có thể lấy ví dụ rằng lực lượng thanh tra của ngành từ Trung ương đến địa phương chỉ có 800 người, trải đều cho cả 8 lĩnh vực, trong khi riêng cảnh sát môi trường đã là hơn 2000 người. Đây là một vấn đề rất bất cập và nếu chỉ dựa vào lực lượng thanh tra của ngành thì không thể làm tốt được nhiệm vụ,” Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển trăn trở.

Trả lời câu hỏi tại sao doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng bị xử lý hành chính nhiều lần mà không xử lý hình sự? Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng: “Trước hết phải khẳng định luật pháp, chính sách của chúng ta còn bất cập. Nhưng cái chính đúng như anh Sơn nói, đó là chúng ta mới chỉ định tính chứ chưa định lượng được để xử lý. Rất khó để phân biệt hành vi đó thuộc khung hành chính hay hình sự.”

Cũng theo Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, xử lý hình sự cũng không thuộc trách nhiệm của Bộ mà phải qua cơ quan điều tra, mà để điều tra một vụ việc đủ chứng cứ xử lý hình sự thì không đơn giản, chứ không phải chúng ta thích xử lý hành chính mà không xử lý hình sự. Những vụ việc chúng tôi thấy cần thiết chuyển cho cơ quan điều tra để có bước điều tra làm rõ, thấy có thể truy tố được thì sẽ truy tố. Phối hợp giữa thanh tra với cơ quan điều tra là rất chặt chẽ.

“Mọi người cũng nên thông cảm với ngành thanh tra, theo Luật thì chúng tôi thanh tra là phải theo chương trình, kế hoạch được thông báo trước. Thời gian, nội dung thanh tra phải được báo trước với doanh nghiệp nên để phát hiện sai phạm mang tính chất phải truy tố là rất khó. Thanh tra chỉ có tác dụng phòng ngừa và răn đe là chính,” Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển trăn trở./.

Vietnamplus

0 comments:

Post a Comment

 
Top